Thu hút, trọng dụng nhân tài là người dân tộc thiểu số

Cập nhật lúc: 08:21 02/11/2023

Sáng 1/11, tại chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Tại phiên thảo luận, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chỉ ra nhiều hạn chế trong phát triển KT-XH thời gian qua. Trong đó, nhiều ĐBQH nhấn mạnh vào việc phát triển nguồn nhân lực là người DTTS, phát triển nông nghiệp, y tế, giáo dục...

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau)
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau)

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau): Cần tập trung thu hút, trọng dụng nhân tài và xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân DTTS

Tâm đắc và tán thành với nhiều giải pháp trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, ĐB Lê Thanh Vân nhấn mạnh, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính phủ cần tập trung thu hút, trọng dụng nhân tài và xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân DTTS.

Về thu hút, trọng dụng nhân tài, ĐB đánh giá cao Chính phủ đang chuẩn bị xây dựng dự thảo về vấn đề này. ĐB mong sớm có đạo luật để có quy tắc chung cho toàn xã hội trong vấn đề này. Về doanh nhân DTTS, vừa qua, Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 41, ĐB đề nghị Quốc hội thể hiện tinh thần Nghị quyết này trong Nghị quyết Kỳ họp, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, ĐB đề nghị cần có các biện pháp mạnh mẽ trong cải cách thể chế. Cần coi thể chế như một nguồn lực; cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế, coi đây là một điểm đột phá quan trọng; cần đặc biệt quan tâm 3 nhóm thể chế về kinh tế: Xác lập bình đẳng trong phân phối nguồn lực xã hội không kể công và tư; bảo vệ chế độ hợp đồng, bảo vệ tài sản; giải quyết tốt quan hệ Nhà nước - thị trường. Việc các địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy cái áo thể chế của chúng ta đã quá chật hẹp, cần rà soát đồng bộ để có đổi mới toàn diện thay vì vá víu một cách ngắn hạn.

Ngoài ra, ĐB cho rằng cần tiếp cận, làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến, tập trung vào 3 ngành mũi nhọn: Khoa học dữ liệu, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường. Sử dụng hiệu quả đồng vốn để giải quyết các vấn đề khúc mắc, giảm chi thường xuyên để chi cho đầu tư, phát triển, dùng toàn bộ tăng thu của các năm để tăng chi hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk)
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk)

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk): Cần giải quyết kịp thời các vấn đề trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng

Phát biểu tại phiên họp, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt bày tỏ quan tâm đến vấn đề quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Theo ĐB, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, những vấn đề bất cập từ các chính sách, thực tiễn ở địa phương đặt ra cần Chính phủ lắng nghe, quan tâm và giải quyết kịp thời.

Trước hết, về chính sách nhà nước đặt hàng quản lý, bảo vệ rừng, ĐB đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đặt hàng, chính sách miễn giảm tiền thuê đất, thuê rừng đối với các công ty lâm nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ công ích về quản lý bảo vệ rừng tự nhiên.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, ĐB đề nghị Chính phủ phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ dưới 50 ha, đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha với các dự án, công trình phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước)
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước)

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước): Đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro

Tham gia ý kiến tại phiên họp, ĐB Nguyễn Tuấn Anh cho biết, báo cáo của Chính phủ có nêu nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó có giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Báo cáo của Chính phủ đánh giá năm 2023, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn.

Tuy nhiên, ĐB phản ánh, đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. ĐB đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan tập trung phân tích, đánh giá thực chất và kỹ lưỡng nguyên nhân của tình trạng này, khắc phục những tồn tại, hạn chế, chấm dứt điệp khúc “được mùa - mất giá” và nhiều đợt “giải cứu nông sản” như thời gian qua.

ĐB đề nghị Chính phủ, các bộ ngành nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn, nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc về thị trường, giá cả, vật tư cho người nông dân. Các bộ, ngành cần đồng hành tháo gỡ khó khăn trong việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, công trình phục vụ phát triển nông nghiệp.

Ngoài ra, tính ổn định quy hoạch chính sách trong từng lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, việc quản lý thực hiện quy hoạch còn thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài hiệu quả. Hạn chế này cần được giải quyết để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước cần đồng hành với doanh nghiệp nông nghiệp, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, để hóa giải những thách thức gặp phải, đóng góp vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.

Nguồn/ Báo Dân tộc & Phát triển