Lễ hội Bunpimay của dân tộc Lào tổ chức tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk

Cập nhật lúc: 15:01 13/04/2021

Ngày 11/4 vừa qua, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN huyện Buôn Đôn phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đắk Lắk tổ chức đón Tết cổ truyền Bunpimay cho những hộ dân người Việt gốc Lào tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Đến dự và chia vui cùng với bà con nơi đây Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk có đồng chí H’Yâo Knul - Trưởng ban, cùng một số công chức phòng chuyên môn đã về dự.

Hình ảnh: Các đại biểu tham dự Lễ Hội té nước

Người Việt gốc Lào trên địa bàn huyện Buôn Đôn có 36 hộ, 206 khẩu sinh sống tập trung chủ yếu ở xã Krông Na. Hàng năm cứ đến dịp Tết cổ truyền Bunpimay, Đảng bộ, chính quyền huyện lại tổ chức đón Tết theo nghi thức, phong tục cổ truyền cho bà con nhân dân nơi đây. Trong tiếng Lào, Bun là “hội”, Pi May là “năm mới”. Bunpimay – Hội năm mới là hội lớn nhất trong năm của các dân tộc Lào; thực chất ngày hội này là mừng đón mùa mưa, đón nước của đồng bào, hay còn gọi là ngày hội tắm Phật, vì đó là một trong những nghi thức quan trọng mở đầu ngày hội.

Cũng giống như những năm trước đây, năm nay Tết Bunpimay cũng có những hoạt động như: lễ đọc kinh mừng năm mới, nghi lễ tắm Phật; nghi lễ cầu vía, cột chỉ tay, thả hoa đăng, đắp tháp cát, Té nước và múa Lăm vông. Người dân và du khách tham dự còn được thưởng thức những tiết mục dân ca Lào hòa với những điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây, với nội dung ca ngợi mối tình hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt Nam – Lào. Trong lễ hội, sau khi nghe đọc kinh, mọi người bắt đầu té nước cho Phật, cho các đồng chí lãnh đạo và cho mọi người dân  cùng dự. Trong lễ hội, người Lào còn có tục cột chỉ cổ tay, ai được cột nhiều chỉ thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn và hạnh phúc.

Việc tổ chức Tết truyền thống Bunpimay hằng năm cho bà con không chỉ thể hiện sự tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân các bộ tộc Lào mà còn góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống  giữa nhân dân hai nước. Đây cũng là hoạt động nhằm bảo tồn, bổ sung, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 

(Nguồn: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Lắk)