Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2023

Cập nhật lúc: 08:21 26/09/2023

Ban Dân tộc Đắk Lắk sơ kết 9 tháng đầu năm

Ngày 25/9, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023.

 

Đồng chí H’Yâo Knul- Trưởng Ban, cùng  các đồng chí lãnh đạo Ban chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các phòng chuyên môn Ban Dân tộc; Đại diện lãnh đạo 13 phòng dân tộc các huyện trên địa bàn tỉnh, Đại diện lãnh đạo VP HĐND&UBND thành phố Buôn Ma Thuột, Thị xã Buôn Hồ

Đồng chí H’Yâo Knul- Trưởng Ban Dân tộc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

 

Đánh giá kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc đặc biệt là công tác tham mưu triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719; Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; công tác phối hợp truyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống cơ quan công tác dân tộc các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm qua đó đã đạt được một số kết quả nhất định, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS đã được cải thiện, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt điều này đã góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên các thế lực thù địch, phản động lưu vong lợi dụng tình hình thế giới, khu vực và các vấn đề dân tộc, tôn giáo, tranh chấp khiếu kiện để xuyên tạc tuyên truyền nhằm hạ uy tín của Đảng, Nhà nước, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn một số diễn biến phức tạp, tranh chấp khiếu kiện đông người vẫn còn xảy ra. Liên quan đến vụ tấn công vào trụ sở UBND 02 xã thuộc huyện Cư Kuin đã được các cấp, các nghành tập trung giải quyết triệt để, tạo niềm tin của quần chúng nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đồng bào các dân tộc tin tưởng, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công tác tham mưu triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 được tập trung thực hiện, Ban Dân tộc đã phối hợp với các Sở, ngành xây dựng tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghị quyết về phân bổ kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình năm 2023; các đơn vị, địa phương cũng đang tích cực hoàn tất các thủ tục đầu tư và triển khai thực hiện giải ngân theo quy định.

- Về nguồn lực thực hiện: Kế hoạch phân bổ vốn năm 2023 là 1.592.875 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 976.180 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 616.695 triệu đồng), trong đó: vốn chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023: 584.915 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 440.689 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 144.226 triệu đồng); vốn năm 2023: 1.007.960 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 535.491 triệu đồng, kinh phí sự nghiệp: 472.469 triệu đồng).

- Kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2023 là 529.889 triệu đồng, đạt 33,27% KH. cụ thể

+ Vốn đầu tư phát triển: Đối với những công trình mở mới năm 2022: tiếp tục giao vốn năm 2023 từ cuối năm 2022 nên đến nay hầu hết các công trình đã giải ngân được khoảng 50% KH vốn giao. Đối với những công trình mở mới năm 2023: tỉnh mới giao chỉ tiêu, kế hoạch vốn trong tháng 8/2023 nên đến nay hầu hết các chủ đầu tư đang hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư theo Luật Đầu tư công.

+ Vốn sự nghiệp: tỉnh đã thực hiện giao dự toán từ tháng 5/2023, tuy nhiên do một số nội dung phân bổ chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của địa phương; một số dự án, tiểu dự án địa phương không có nhu cầu hoặc không có đối tượng thụ hưởng chính sách nhưng vẫn phải phân bổ vốn theo tỷ lệ, đồng thời, do Chương trình MTQG 1719 là Chương trình MTQG mới, gồm nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung đầu tư, nhiều Bộ, ngành quản lý, hướng dẫn thực hiện nên đến hết tháng 8/2023 vẫn có nhiều nội dung, cơ chế, chính sách phải sửa đổi, bổ sung, ảnh hưởng chung đến kết quả thực hiện và giải ngân của Chương trình.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng công tác dân tộc, chính sách dân tộc vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, đó là:

- Chương trình MTQG 1719 có nội dung rộng, quy mô lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền trách nhiệm quản lý của nhiều ngành nên khó tránh khỏi những vấn đề phát sinh về quy định, nội dung hướng dẫn trong quá trình hoàn thiện cơ chế chính sách, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

- Dự toán vốn sự nghiệp hằng năm, Trung ương giao chi tiết đến Dự án, Tiểu dự án thành phần và theo lĩnh vực chi của từng chương trình, làm hạn chế sự linh hoạt của địa phương trong việc xây dựng phương án phân bổ chi tiết dự toán đảm bảo phù hợp với khả năng triển khai thực hiện.

- Phạm vi, đối tượng của Chương trình quá rộng, mục tiêu đề ra của chương trình giải quyết quá nhiều nội dung từ kinh tế - xã hội đến quốc phòng an ninh ở vùng DTTS&MN; nhưng nguồn lực thực hiện Chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng đúng, đủ nhu cầu hỗ trợ thực hiện cho các đối tượng, phạm vi của Chương trình; việc triển khai đồng loạt nhiều chính sách, nhiều nội dung hỗ trợ sẽ gây khó khăn, phức tạp, phân tán nguồn lực đầu tư của Chương trình.

- Tại Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ tối đa từ NSTW và mức hỗ trợ tối thiểu từ NSĐP để thực hiện các nội dung như đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt thuộc Dự án 1 của Chương trình; quy định nêu trên phần nào gây khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện.

- Theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 861/QĐ-TTg, các xã thuộc khu vực III, khu vực II đã được phê duyệt tại Quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn NTM sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II kể từ ngày Quyết định của cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn NTM có hiệu lực. Điều này sẽ tác động rất lớn đến việc triển khai các chính sách an sinh xã hội cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã khu vực III, II; gây thiệt thòi cho người dân.

- Quy định tại khoản 1 Điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT không thống nhất quan điểm với các văn bản quy định của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình áp dụng triển khai thực hiện.

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc 3 tháng cuối năm 2023 đề nghị các phòng chuyên môn và các địa phương cân triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Tiếp tục chủ động nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống, sản xuất tại vùng đồng bào DTTS; kịp thời tham mưu giải quyết tốt các vấn đề phát sinh, giảm tranh chấp, khiếu kiện nhằm ổn định vùng đồng bào DTTS. Chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào DTTS, phát huy nội lực và tinh thần vượt khó, hạn chế tâm lý ỷ lại, trông chờ vào đầu tư hỗ trợ của nhà nước

2. Tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2025.

3. Tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn lực cho triển khai thực hiện Chương trình, đặc biệt chú trọng lồng ghép sử dụng tốt nguồn lực từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hỗ trợ các chính sách theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ.

4. Tập trung thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch.

5. Tiếp tục thực hiện tốt, đảm bảo các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong việc thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tránh âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung, về công tác dân tộc nói riêng. Tích cực vận động Nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tinh thần tương thân tương ái, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

6. Công khai, minh bạch các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư... phát huy vai trò của Nhân dân trong tham gia, giám sát quá trình thực hiện các chương trình, dự án, đề án,…

7. Phát huy vai trò, chất lượng của hoạt động kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

8. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống các loại dịch, bệnh trên người, gia súc, gia cầm. Nắm bắt tình hình tư tưởng của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh xảy ra, vừa yên tâm chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế.

 Đối với nội dung đại biểu có ý kiến đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị hoặc đã gửi bằng văn bản giao các phòng chuyên môn tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo Ban trả lời cho các đơn vị theo đúng quy định.

 

                                                                         

T/h: Văn phòng