Giữ rừng gắn với sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số (Kỳ 1)

Cập nhật lúc: 08:08 01/08/2023

Đắk Lắk cũng là tỉnh có số hộ nghèo cao thứ ba cả nước (sau Hà Giang, Nghệ An). Chính vì vậy, ổn định sinh kế lâu dài cho người dân gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những giải pháp căn cơ để bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng".

Kỳ 1: Bài toán giữ rừng và sinh kế người dân

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, việc giữ rừng vẫn đang đối mặt với nhiều áp lực.

“Lá phổi xanh” suy yếu

Rừng được xem là "lá phổi xanh" của tự nhiên. Sau ngày đất nước thống nhất, Tây Nguyên - Đắk Lắk được xem là “thủ đô” của rừng, với 3,8 triệu ha rừng tự nhiên, độ che phủ của toàn vùng là 70%. Việc khai thác gỗ tự nhiên với sản lượng khoảng 1 triệu m3/năm trong một thời gian dài cùng với những yếu tố tác động khác khiến diện tích rừng khu vực này giảm mạnh. Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng dần trở thành "vùng trũng" lâm nghiệp.

Nhiều diện tích rừng trên địa bàn tỉnh nằm xen kẽ giữa rừng sản xuất và khu dân cư. Ảnh: VạnTiếp

Từ năm 2014, Đắk Lắk đã thực hiện đóng cửa rừng. Mặc dù vậy, diện tích rừng “hao hụt” hằng năm vẫn rất lớn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2019 – 2022, diện tích rừng liên tục biến động qua các năm. Cụ thể, năm 2019, tỷ lệ độ che phủ rừng là 38,6% (tăng 0,14% so với năm 2015); năm 2020, tỷ lệ này là 38,75% (tăng 0,15%); năm 2021 là 38,35% (giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2020). Đến nay, Đắk Lắk còn 501.206 ha đất rừng (trong đó, 426.046 ha rừng tự nhiên; 75.160 ha rừng trồng và 232.423 ha đất chưa có rừng), độ che phủ rừng đạt 38,35%.

Đắk Lắk hiện có khoảng 568.000 ha rừng tự nhiên và hầu hết đã có chủ. Ngoài hai vườn quốc gia (Yok Đôn, Chư Yang Sin), hai khu bảo tồn (Nam Ka, Ea Sô), bốn ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn (Buôn Đôn, Krông Năng, Lắk, Núi Vọng Phu - huyện M'Drắk) và 15 công ty lâm nghiệp được giao quản lý, bảo vệ hơn 2/3 diện tích rừng nói trên, số còn lại khoảng 82.000 ha được các huyện giao cho chính quyền xã và hộ dân, cộng đồng nhận quản lý, bảo vệ theo chủ trương, chính sách của Nhà nước. Số diện tích rừng tự nhiên này đang tiếp tục đối mặt với nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng và phức tạp hơn. Mỗi chủ rừng, loại rừng đều có “nỗi khổ” khác nhau. Đối với các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, ngoài vấn nạn “chảy máu” tài nguyên rừng được xem là “nóng” nhất như tình trạng khai thác gỗ lậu, săn bắn động vật hoang dã, thì việc hủy hoại rừng bằng nhiều cách (phun thuốc khai quang, cưa đốn một phần thân cây cho chết dần, sau đó đốt bỏ) để lấy đất sản xuất khiến tài nguyên rừng ở đây suy giảm ngày càng nghiêm trọng được xem là vấn nạn nhức nhối hiện nay.

Tại Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức vào tháng 4/2023, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Ở Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung, có 78% rừng bị mất do chuyển đổi mục đích sử dụng, còn lại do phá rừng bất hợp pháp, khai thác rừng trồng, cháy rừng và những nguyên nhân khác. Điều đáng nói là có những diện tích rừng bị mất nhưng không theo dõi, thống kê kịp thời.

Rừng đang chịu nhiều áp lực

Một trong những áp lực lớn đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Đắk Lắk là tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch. Theo số liệu của UBND tỉnh, từ năm 1976 đến hết năm 2004, trên địa bàn tỉnh có 57.995 hộ với 282.230 khẩu ở 60 địa phương trong cả nước di cư đến. Giai đoạn 2005 – 2021, có 1.921 hộ di cư đến, trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc (1.500 hộ, 7.818 khẩu). Toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 hộ dân di cư tự do, tập trung nhiều tại các huyện Ea Súp, Krông Bông, M’Drắk, Lắk và Cư M’gar. Những năm qua, nhiều khu dân cư tự phát trên địa bàn tỉnh được hình thành trên đất rừng chưa được chuyển đổi như tại các huyện Lắk, Cư M’gar, Krông Bông và Krông Năng. Tình trạng dân di cư tự phát với việc đốt nương làm rẫy, chặt phá, xâm chiếm đất rừng làm đất sản xuất thường xuyên xảy ra. Mặc dù chưa có con số chính thức nào về diện tích rừng bị phá, lấn chiếm bởi những người dân di cư tự do, nhưng chắc chắn đây là con số không nhỏ.

Nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số có sinh kế gắn liền với rừng, đất rừng.
 

Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên có rất nhiều tiềm năng về lâm nghiệp, đa dạng sinh học, có nguồn tài nguyên đất đai, khí hậu phù hợp để phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là các cây công nghiệp. Chính vì vậy mà có những sức ép rất lớn tác động lên tài nguyên rừng khi chuyển đổi diện tích rừng sang canh tác các cây nông nghiệp khác”.

 
Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT)

Rừng không chỉ chịu áp lực bởi dân di cư tự do từ địa phương khác đến mà đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ lâu nay sống trong rừng, gần rừng cũng dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Dẫn chứng cho điều này có thể thấy tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Vườn có diện tích 115.545 ha, trải rộng trên địa bàn 7 xã của tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Đặc biệt, trong vùng lõi có buôn Đrang Phôk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), gồm 135 hộ, với 500 khẩu hình thành trước khi thành lập Vườn. Bên cạnh đó, trong lâm phần do Vườn quản lý có 502 ha đất canh tác của người dân. Ngoài ra, khu vực vùng đệm có khoảng 50.000 người sinh sống. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, phụ thuộc vào rừng nên nguy cơ tác động vào rừng, gây áp lực lớn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Tương tự, xung quanh lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk có 30 thôn, buôn của 6 xã giáp ranh có người dân canh tác. Ông Nguyễn Trương Bình, Chủ tịch Công ty cho biết, đơn vị quản lý hơn 24.000 ha rừng phòng hộ và sản xuất. Đơn vị chịu nhiều áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng do người dân lân cận rừng tiến hành canh tác, đốt nương làm rẫy, bắt ong… không thể tránh được việc xâm hại đến rừng. Bên cạnh đó, vào thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa hằng năm, nhiều hộ dân đã xâm lấn đất rừng sản xuất của công ty để canh tác, gây khó khăn cho việc giữ rừng cũng như thực hiện kế hoạch trồng rừng của doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Phan Văn Thiết, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu (huyện M'Drắk) chia sẻ, hầu hết vùng giáp ranh diện tích do các đơn vị quản lý rừng bảo vệ đều có người dân sinh sống nên tình trạng “lấn dần” thường xuyên diễn ra rất “nóng”, nhất là vào mùa đốt nương làm rẫy. Tình trạng này rất khó giải quyết dứt điểm, bởi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số bao đời nay đã có thói quen sản xuất như vậy và đây cũng là một trong những nguồn sống chính của họ.  

Tình trạng diện tích rừng bị suy giảm thời gian qua bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan là nhiều chủ dự án nông lâm nghiệp bố trí lực lượng liên quan đến việc giao rừng, cho thuê đất rừng chưa bảo đảm cho việc bảo vệ hiệu quả diện tích rừng được giao quản lý; chưa xác lập được trách nhiệm pháp lý của chủ dự án (chủ rừng) khi để xảy ra mất rừng; chưa có cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút đầu tư vào lĩnh vực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng…
 

nguồn// báo đắk lắk