Vượt khó khăn riêng để làm tốt việc chung
Cập nhật lúc: 11:05 23/02/2023
Năm 2012, Y Soài được bà con trong buôn tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội nông dân của buôn Mnăng Dơng; năm 2015 anh làm buôn đội trưởng.
Năm 2022, buôn Mnăng Dơng sáp nhập với buôn Tar thành buôn Mnăng Tar, anh lại được tín nhiệm bầu làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận buôn. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng Y Soài là người có uy tín, luôn đi đầu trong mọi hoạt động của buôn.
Anh thường xuyên phối hợp với ban tự quản và các đoàn thể vận động bà con trong buôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt hương ước của buôn. Khi tổ chức các hoạt động hoặc gia đình nào trong buôn có công việc gì, Y Soài thường chủ động phối hợp giải quyết và tận tình giúp đỡ.
Anh Y Soài Êban (bìa phải) trong lễ ra mắt buôn văn hóa Mnăng Tar năm 2022. |
Ông Y Ngọc Niê, Trưởng buôn Mnăng Tar nhận xét: “Anh Y Soài là người nhiệt tình, tâm huyết với công việc của buôn làng. Buôn có 282 hộ, địa bàn rộng, người dân đa số là đồng bào M’nông nhưng khi có công việc gì cần triển khai, cần vận động, anh đều nhiệt tình đi đến từng hộ dân”.
Anh Y Soài còn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống của người M’nông. Anh cùng với chi ủy, ban tự quản thường xuyên vận động bà con trong buôn thực hiện tốt nếp sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn bản sắc dân tộc, duy trì đội chiêng đồng, đội văn nghệ, phục dựng các lễ hội, duy trì nghề dệt thổ cẩm. Bản thân Y Soài hiện là đội trưởng đội cồng chiêng và đội văn nghệ của buôn. Vừa qua, buôn Mnăng Tar đã được công nhận buôn văn hóa.
Điều đáng nói là để làm tốt công tác xã hội, anh Y Soài phải nỗ lực rất nhiều bởi gia đình anh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vợ chồng anh chỉ có ngôi nhà tạm bợ và mảnh rẫy trên đất đồi dốc. Năm 2015, chị H'Joan Niê - vợ của anh Y Soài mắc bệnh suy thận mãn; đến năm 2017 bệnh của chị trở nặng (giai đoạn 4) phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Hai bên gia đình nội ngoại đều khó khăn nên Y Soài phải bán đi 1,5 ha đất rẫy để lo tiền đi lại, thuốc thang, điều trị cho vợ. Giờ tuy không còn nằm viện nhưng mỗi tuần 3 lần, chị H'Joan phải đi gần 90 km từ nhà lên TP. Buôn Ma Thuột để chạy thận; trong khi đó nguồn sống của cả gia đình chỉ trông vào 1,5 sào ruộng nước và hơn 3,5 sào đất trồng ngô. Vì vậy, ngoài giờ làm việc, anh Y Soài phải lo bươn chải làm thêm.
Anh Y Soài Êban thường đi làm thêm để có thêm thu nhập trang trải cho gia đình. |
Anh tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình như vậy thì phải cố gắng thôi. Vừa tranh thủ làm ruộng, làm rẫy, khi xong mùa vụ thì mình đi phụ hồ, vác keo thuê hay làm bất cứ việc gì để có tiền lo thuốc thang chữa bệnh cho vợ và nuôi hai con ăn học. Khó khăn lắm nhưng được buôn làng, bà con tin tưởng giao việc thì mình phải cố gắng sắp xếp để hoàn thành tốt nhiệm vụ, không phụ lòng tin của bà con”.
Các tin khác
- Huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk: Nét đẹp văn hóa các dân tộc trong Lễ hội đường phố ở huyện vùng sâu
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư
- Xây dựng Đề án Tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 - 2030
- Lễ cúng cầu mưa và cầu mùa của người Êđê tại buôn Đắk Tuôr
- Thương nhớ nhà dài của đồng bào Ê đê
- Gìn giữ, bảo tồn nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê: Đặt niềm tin ở thế hệ trẻ
- Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội Văn hoá các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023.
- Liên hoan các đội chiêng trẻ TP. Buôn Ma Thuột lần thứ I - năm 2023: Thành quả ngọt ngào