Từ buôn làng đến giảng đường
Cập nhật lúc: 08:03 29/08/2022
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nên cuộc sống của Y Hoàng Kbuôr, buôn Kmrơng A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột (hiện là sinh viên năm 3, Trường Đại học Khoa học Huế) gặp khá nhiều khó khăn. Từ lúc nhỏ, Y Hoàng đã thay mẹ chăm sóc em gái và phụ gia đình làm việc nương rẫy. Những năm đầu học phổ thông, lực học của em chỉ vừa đủ để lên lớp. Tuy nhiên em vẫn chịu khó chuyên cần học tập. Đến cuối năm lớp 11, em đã tìm hiểu, suy nghĩ kỹ hơn về con đường mình sẽ đi sau khi hoàn thành chương trình THPT nên cố gắng đầu tư nhiều hơn cho việc học hành, ôn luyện. Cùng với đó, em được các giáo viên Trường THPT Cao Bá Quát (xã Ea Tu) tận tình tư vấn, hỗ trợ nên học lực dần được cải thiện rõ rệt và kết quả vượt cả mong đợi khi cùng lúc đỗ hai trường đại học. Y Hoàng bộc bạch rằng, em chọn ngành Quản lý nhà nước (Trường Đại học Khoa học Huế) bởi muốn được đến với vùng đất có bề dày văn hóa, du lịch, là một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo lớn của cả nước, vùng đất học của Việt Nam. Mặt khác, Trường Đại học Khoa học Huế thực hiện chính sách giảm 70% học phí, phù hợp hoàn cảnh của em. Vừa chịu khó học tập, vừa tích cực tham gia các hoạt động phong trào của lớp, Y Hoàng đạt học lực xuất sắc, được công nhận là sinh viên DTTS tiêu biểu của tỉnh.
Em H'Thu Niê (ở buôn Kwăng, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) hiện đang là sinh viên lớp Giáo dục tiểu học K21 (Trường Đại học Tây Nguyên) luôn nỗ lực trên hành trình học tập. Suốt 12 năm học H'Thu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Năm 2020 H'Thu vinh dự là một trong 145 học sinh, sinh viên DTTS tiêu biểu của cả nước; năm 2022 có tên trong danh sách 60 sinh viên tiêu biểu của tỉnh... H’Thu chia sẻ, Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện miễn 100% học phí đã tạo điều kiện thuận lợi cho em học tập. Em luôn tâm niệm mình phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để thực hiện ước mơ làm giáo viên tiểu học trở về cống hiến cho quê hương. Đặc biệt là môi trường đại học khá mở, sinh viên phải tự giác học tập. Do đó, khi lên lớp em luôn chú ý nghe giảng để tiếp thu được kiến thức một cách đầy đủ; lập riêng một thời gian biểu ngoài giờ học để tận dụng hết quỹ thời gian cho việc học tập; đọc thêm nhiều sách, tích cực trao đổi kiến thức với bạn bè; tham gia các hoạt động của trường để rèn luyện kỹ năng, tích lũy kiến thức.
H'Thu Niê chụp hình lưu niệm tại Lăng Bác nhân dịp tham gia Lễ tuyên dương Học sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu năm 2020 tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Thời gian qua, nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS của tỉnh được thực hiện khá tốt, như miễn, giảm học phí; hỗ trợ đồ dùng học tập; xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Nhờ vậy, các em có điều kiện học hành tốt hơn. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhiều học sinh DTTS đã đạt điểm cao ở các môn học như H'Lana Ênuôl, Hà Huyền My (Trường THPT N'Trang Lơng) đạt điểm 10 môn Lịch sử; H'Sharonny Arul (THPT Lê Quý Đôn) điểm 10 môn Tiếng Anh; H'Diệu Byã (THPT Trần Nhân Tông) đạt điểm 10 môn Giáo dục công dân...
Trong số hơn 12.000 sinh viên Đắk Lắk đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên cả nước có hơn 2.200 sinh viên DTTS. Được hưởng các chính sách hỗ trợ, nhiều học sinh, sinh viên DTTS đã nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện, tích cực trong các hoạt động phong trào. Trong Chương trình gặp mặt và tuyên dương sinh viên DTTS tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk lần thứ XXIV - năm 2022 diễn ra mới đây, 60 sinh viên tiêu biểu của tỉnh đã chia sẻ về việc học tập, rèn luyện và bày tỏ mong muốn được hỗ trợ tạo việc làm sau khi ra trường.
Các bạn sinh viên tại Chương trình gặp mặt và tuyên dương sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk lần thứ XXIV. |
Chị H’Giang Niê, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, thời gian qua Tỉnh Đoàn đã tổ chức nhiều nội dung, chương trình hoạt động dành riêng cho thanh niên, sinh viên DTTS như: tuyên dương thanh niên DTTS sống đẹp, làm kinh tế giỏi; liên hoan các câu lạc bộ đội nhóm diễn tấu nhạc cụ dân tộc và hát dân ca…Với sự quan tâm hỗ trợ thiết thực từ nhiều phía, các bạn có cơ hội rèn luyện, cống hiến, góp sức xây dựng quê hương.
Các tin khác
- Huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk: Nét đẹp văn hóa các dân tộc trong Lễ hội đường phố ở huyện vùng sâu
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư
- Xây dựng Đề án Tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 - 2030
- Lễ cúng cầu mưa và cầu mùa của người Êđê tại buôn Đắk Tuôr
- Thương nhớ nhà dài của đồng bào Ê đê
- Gìn giữ, bảo tồn nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê: Đặt niềm tin ở thế hệ trẻ
- Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội Văn hoá các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023.
- Liên hoan các đội chiêng trẻ TP. Buôn Ma Thuột lần thứ I - năm 2023: Thành quả ngọt ngào