Đậm nét mẫu hệ trong lễ hỏi chồng của người Ê Đê
Cập nhật lúc: 10:58 23/06/2023
Phụ nữ Ê Đê có vai trò, quyền lực đặc biệt trong gia đình, trong đó quyền cưới chồng là một trong những quyền quan trọng. Khi người con gái “ưng bụng” chàng trai nào thì về báo cho cha mẹ, nhờ người mai mối hỏi cưới chồng. Nhà trai được đặc quyền thách cưới và nhà gái lo mọi chi phí cưới hỏi mới được làm lễ rước rể về nhà. Đây là nét văn hóa thể hiện rõ nét vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân mà người Ê Đê ở các buôn làng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn giữ gìn.
Già Y Drin Niê, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Đồng bào Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, vì thế vai trò của người phụ nữ rất quan trọng, thường làm chủ hộ trong gia đình. Bao đời nay, người Ê Đê quan niệm khi sinh con ra, công sinh thành nuôi dưỡng, mang nặng, đẻ đau là công của người mẹ. Con cái sinh ra phải mang họ của người mẹ, trong hôn nhân người con gái phải đi hỏi cưới chồng. Ngày nay, mặc dù thực hiện nếp sống văn minh, bà con tổ chức lễ cưới hiện đại hơn, nhưng các nghi thức cưới hỏi vẫn được giữ gìn.
Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mỗi gia đình, người Ê Đê thường chọn thời gian rảnh rỗi sau khi kết thúc mùa vụ, thóc lúa về đầy nhà, rượu cần đã ủ xong, lễ vật cũng chuẩn bị xong để tổ chức lễ cưới. Gia đình nhà gái chọn ngày lành tháng tốt báo với bà con buôn làng mang lễ vật đến nhà trai cùng thưa chuyện hỏi chồng.
Lễ vật trong nghi thức cưới nhà gái phải chuẩn bị gồm: Một con gà trống và mâm xôi; chiếc chăn; 8 vòng đồng; 1 bát đồng; 1 con bò hoặc trâu (tùy gia cảnh); 2 ché rượu, 2 con heo thiến; tiền gửi dâu, tiền cược thề giao ước…
Chúng tôi có dịp được tham dự phục dựng Lễ cưới chồng của người Ê Đê do các nghệ nhân ở Tp. Buôn Ma Thuột thực hiện. Cô dâu thuộc dòng họ Niê ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu và chú rể dòng họ Êban ở buôn Cư M’lim, xã Ea Kao.
Theo phong tục, lễ cưới chồng của người Ê Đê gồm: Lễ ăn hỏi, Lễ thách cưới, Lễ cưới, Lễ tòng thê và ở dâu. Trong đó Lễ thách cưới là quan trọng nhất, quyết định việc đám cưới được diễn ra hay không.
Theo đó, nhà trai có quyền yêu cầu các lễ vật thách cưới nhà gái, còn nhà gái có thể xin bớt, giảm cho phù hợp với điều kiện gia đình. Nếu hai bên đồng ý, thì mới thực hiện các nghi lễ còn lại. Để cuộc thách cưới thuận lợi, nhà gái chọn ông mai có nhiều kinh nghiệm, ăn nói lưu loát, am hiểu luật tục đại diện đứng ra thỏa thuận với nhà trai.
Xong phần thỏa thuận thách cưới, đại diện nhà trai, nhà gái tiếp tục làm nhiệm vụ giảng giải cho đôi trẻ nghe những khó khăn phát sinh trong cuộc sống vợ chồng. Đồng thời khuyên, cô dâu giữ trọn đức hạnh, siêng năng, đảm đang chu toàn việc gia đình, chú rể chăm chỉ làm ăn, san sẻ công việc với vợ, không nhậu nhẹt triền miên, có khó khăn nhờ người giúp đỡ không được bỏ nhau. Đặc biệt, không được ngoại tình, quan hệ bất chính, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng, thịt trâu, bò để thiết đãi dân làng, đền tiền bạc và bị dân làng coi khinh.
Hai bên thực hiện nghi thức cưới, cô gái chàng trai trao vòng đồng cho nhau trước mặt hai bên dòng họ, chính thức nên duyên vợ chồng. Xong xuôi mọi thủ tục, nhà trai mở tiệc thiết đãi nhà gái, dòng họ bằng một bữa tiệc ấm cúng.
Sau khi các nghi thức lễ cưới thực hiện xong, dàn chiêng nổi lên, cô dâu, chú rể cầm cần rượu trao còng (vòng đồng) cho nhau, rồi lần lượt đến mẹ và thứ tự đến bà con trong dòng họ hai bên đến chúc mừng, chung vui uống rượu cần, múa xoang.
Đôi trai tài gái sắc về chung một nhà, thương yêu nhau, có vui cùng hưởng, có họa cùng lo, cùng nhau làm ăn xây dựng gia đình và buôn làng ấm no, tươi đẹp.
Các tin khác
- Vượt khó khăn riêng để làm tốt việc chung
- Nét văn hóa Thái, Mường ở Dhung Knung
- Những nghệ nhân tài hoa của buôn làng
- Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn Đắk Lắk giai đoạn 2023 – 2025
- Những đảng viên dân tộc thiểu số nói khéo, làm hay
- Lễ hội Văn hoá dân gian Việt Bắc xã Cư Êwi lần thứ 7, năm 2023
- Huyện Lắk chú trọng phát triển đảng viên vùng dân tộc thiểu số
- Tự hào thể thao dân tộc thiểu số Đắk Lắk