Bảo tàng tư nhân góp phần bảo tồn văn hóa Tây Nguyên
Cập nhật lúc: 09:12 11/10/2022
Theo lời ông Mẫn Phong Sơn kể lại, vào thập niên 1990, khi tới Tây Nguyên công tác, do đặc thù công việc phải di chuyển nhiều nơi, ông được tiếp xúc với nhiều dân tộc anh em trên mảnh đất cao nguyên. Ông nhận thấy nhiều điều thú vị trong đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân nơi đây, từ cách bày biện mâm cơm, cắm cần rượu, thứ tự người uống rượu, bếp khách, bếp chủ nhà, lễ cúng ché...
Từ đó, lòng đam mê nghiên cứu và sưu tầm hiện vật trỗi dậy trong chàng kỹ sư đo đạc bản đồ quê Bắc Ninh. Năm 2017, để đưa những hiện vật được kỳ công sưu tầm trong hàng chục năm đến với công chúng, ông Sơn và vợ là bà H’Hoa Kpă đã bỏ ra hàng tỷ đồng xây dựng bảo tàng Ama H’Mai với diện tích hơn 1.000m2. Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ hai được UBND tỉnh Đắc Lắc cấp phép hoạt động trên địa bàn.
Ông Mẫn Phong Sơn (bên phải) giới thiệu chiếc ché quý trưng bày trong bảo tàng với khách tham quan. |
Bảo tàng trưng bày hàng nghìn hiện vật về đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như: Trang phục lễ hội, trang phục đi rừng, dụng cụ săn bắn, xà gạc, chén, bát, trang sức (khuyên tai, vòng, thắt lưng) cùng 20 bộ cồng, chiêng, trống của người Ê Đê, Gia Rai. Ông Mẫn Phong Sơn còn lập phòng thư viện lưu giữ hàng trăm cuốn sách đủ thể loại, từ truyện cổ tích đến sách lịch sử, sách nghiên cứu... Đây là nguồn tư liệu quý để du khách tới tham quan hiểu thêm về các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Đơn cử, nếu tìm hiểu sẽ biết, Kpan (hay k’pan) là tên gọi một loại ghế dài của người Ê Đê. Ghế làm từ thân cây gỗ lớn, đặt trong nhà làm chỗ ngồi cho đội cồng chiêng vào các dịp lễ hội. Người Ê Đê coi Kpan là chiếc ghế "quyền lực", vì chỉ gia đình giàu có với ngôi nhà rất dài mới có ghế này. Khi cùng ngồi trên ghế Kpan, mọi khoảng cách về địa vị, hận thù, đố kỵ sẽ được xóa đi, chỉ còn tình cảm chân thành đọng lại...
Bảo tàng Ama H’Mai còn trưng bày nhiều hiện vật mà nay hầu như đã vắng bóng ở các buôn làng Tây Nguyên. Hiện vật ông Mẫn Phong Sơn sưu tầm được nhiều và đặc biệt yêu thích là ché. Bộ sưu tập ché tại bảo tàng gần như đầy đủ những loại của các dân tộc Tây Nguyên, như: Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng, Ê Đê, M’nông, Mạ... Ông Sơn kể lại: “Nhiều năm trước, khi được ngồi uống rượu cần và nghe người già kể chuyện, tôi biết đồng bào Tây Nguyên đặc biệt coi trọng những chiếc ché. Ché đối với đồng bào không chỉ là vật đựng rượu cần mà còn là đồ gia bảo được truyền qua nhiều thế hệ. Ché rượu cần hiện diện trong tất cả các lễ cầu cúng từ nhỏ đến lớn và người Tây Nguyên tin rằng, thần linh (Yàng) trong ché sẽ nghe, thấu hiểu và chấp nhận những lời khấn cầu của chủ nhà. Do vậy, giá trị một chiếc ché thường rất lớn, một chiếc ché Tuk 12 tai ngày đó có thể đổi được 10-12 con trâu tốt. Sau này, đời sống dần thay đổi, nhiều gia đình không giữ tục “chăm” ché nữa nên tìm cách bán, tôi đến tận nơi mua về để lưu giữ...”.
Những hiện vật từ chiếc chén ăn cơm, chiếc mặt nạ tới bộ cồng chiêng đồ sộ... đều ẩn chứa ngôn ngữ tinh thần riêng. Chúng là đại diện, là biểu trưng cho đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Xã hội càng hiện đại cũng khiến những nét văn hóa truyền thống càng dễ bị mai một.
Do vậy, ngoài bảo tàng công lập, bảo tàng tư nhân Ama H’Mai là một trong những kênh đưa các hiện vật quý giá đến gần hơn với công chúng, đóng góp thêm nguồn lực của xã hội vào sự phát triển giá trị di sản để cộng đồng biết tới và chung sức giữ gìn.
Các tin khác
- Nâng cao giá trị sản phẩm thổ cẩm của các dân tộc thiểu số
- Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc J'rai, Bhanar
- Lưu giữ văn hóa truyền thống
- Truyền dạy đánh chiêng cho sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số
- Đắk Lắk có 17 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" năm 2022
- Bảo tồn văn hóa cồng chiêng gắn với đời sống cộng đồng
- Nghị lực của chàng trai khuyết tật
- Diễn đàn “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”