ĐẠI GIA ĐÌNH CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM
Cập nhật lúc: 14:20 23/11/2017
Cả nước hiện có 54 dân tộc anh em. Trong số 54 dân tộc, có những dân tộc vốn sinh ra và phát triển trên mảnh đất Việt Nam ngay từ thửa ban đầu, có những dân tộc từ nơi khác lần lượt di cư đến nước ta. Do vị trí nước ta giao lưu hết sức thuận lợi nên nhiều dân tộc ở các nước xung quanh vì nhiều nguyên nhân đã di cư từ Bắc xuống, từ Nam lên, từ Tây sang, chủ yếu từ Bắc xuống, rồi định cư trên lãnh thổ nước ta. Những đợt di cư nói trên kéo dài mãi cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thậm chí có bộ phận dân cư còn chuyển đến nước ta sau năm 1945. Ðây là những đợt di cư lẻ tẻ, bao gồm một số hộ gia đình đồng tộc.
Trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, dân số giữa các dân tộc rất không đều nhau, có dân tộc có số dân trên một triệu người như Tày, Thái... nhưng cũng có dân tộc chỉ có vài trăm người như PuPéo, Rơ-măm, Brâu... Trong đó, dân tộc Kinh là dân tộc đa số, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân cư nước ta, có trình độ phát triển cao hơn, là lực lượng đoàn kết, đóng vai trò chủ lực và đi đầu trong quá trình đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, góp phần to lớn vào việc hình thành, củng cố và phát triển cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Tuy số dân có sự chênh lệch đáng kể, nhưng các dân tộc vẫn coi nhau như anh em một nhà, quý trọng, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, chung sức xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cả khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn. Ở nước ta không có tình trạng dân tộc đa số cưỡng bức, đồng hoá, thôn tính các dân tộc ít người, do đó cũng không có tình trạng dân tộc ít người chống lại dân tộc đa số. Ngày nay, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, các dân tộc anh em trên đất nước ta tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
2. Các dân tộc trên đất nước ta có truyền thống đoàn kết trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, xây dựng một cộng đồng dân tộc thống nhất.
Trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, nhiều dân tộc có chung cội nguồn. Nói về nguồn gốc dân tộc Việt Nam đã có nhiều truyền thuyết như truyện "Quả bầu mẹ" giải thích các dân tộc có chung nguồn gốc; truyện "Ðôi chim" đẻ ra hàng trăm, hàng ngàn trứng nở ra người Kinh, người Mường, người Thái, người Khơ-mú...; truyện của dân tộc Ba-na, Ê-đê kể rằng người Kinh, người Thượng là anh em một nhà; đặc biệt là truyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng nở ra trăm người con, một nửa theo cha xuống biển trở thành người Kinh, một nửa theo mẹ lên núi thành các dân tộc thiểu số. Vua Hùng được coi là Tổ tiên chung của cả nước.
Còn các tài liệu lịch sử cũng cho thấy, người Việt, người Mường là con cháu của người Lạc Việt, là chủ nhân của nền văn hoá Ðông Sơn. Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc tách nhóm Việt -Mường thành các dân tộc là một quá trình lâu dài, bắt đầu vào cuối thiên niên kỷ I, đầu thiên niên kỷ II sau công nguyên. Người Tày, Thái, Nùng là những bộ phận của người Tày, Thái cổ, trong quá trình lịch sử đã tách thành các dân tộc Tày, Thái, Nùng. Người H'mông, Dao xưa kia có cùng nguồn gốc, sau tách thành các dân tộc H'mông, Dao và Pà Thẻn.
Cũng có những dân tộc khác nhau về nguồn gốc lịch sử như các dân tộc La Hủ, Lô Lô, Vân Kiều, Sán Dìu...
Các dân tộc có cùng nguồn gốc lịch sử, có nhiều điểm tương đồng là điều kiện thuận lợi dễ gần gũi gắn bó với nhau. Song dù cùng hoặc không cùng một nguồn gốc sinh ra, có sự khác nhau về tâm lý, phong tục, tập quán... thì đều là người trong một nước, con trong một nhà, vận mệnh gắn chặt với nhau, các dân tộc nước ta luôn kề vai sát cánh bên nhau, thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Nước ta ở khu vực địa lý có nhiều thuận lợi song điều kiện tự nhiên cũng rất khắc nghiệt. Do nắng lắm mưa nhiều nên hàng năm thường bị hạn hán, lũ lụt. Do yêu cầu tồn tại và phát triển ở một nước nông nghiệp, trồng lúa nước là chính, cư dân ở Việt Nam phải liên kết nhau lại, hợp sức để khai phá đất hoang, chống thú dữ, xây dựng các hệ thống thuỷ lợi (mương, phai), đê, đập, nhằm đảm bảo phát triển sản xuất. Trải qua nhiều thế kỷ dựng nước và giữ nước, sự gắn bó, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất của đồng bào các dân tộc đã được coi như một tiêu chuẩn đạo đức.
Ngày nay, trước những biến đổi bất lợi về khí hậu, thời tiết có tính toàn cầu, càng đòi hỏi nhân dân các dân tộc nước ta chung lòng hợp sức phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai cũng như khắc phục hậu quả do bão lụt, hạn hán gây ra. Cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên vẫn đòi hỏi tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc và thông qua cuộc đấu tranh đó, đại gia đình các dân tộc Việt Nam càng thêm gắn bó chặt chẽ.
Cùng với lịch sử chinh phục thiên nhiên, nhân dân ta còn có lịch sử chống giặc ngoại xâm vô cùng oanh liệt. Ðất nước ta ở vào nơi thuận tiện trên trục đường giao thông Bắc - Nam, Ðông - Tây của thế giới, có tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí địa lý - chính trị có tính chiến lược. Do đó, các thế lực bành trướng và xâm lược luôn nhòm ngó và tìm cách thôn tính nước ta. Ðặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam là lịch sử chống ngoại xâm liên tục và nhiều lần, trong đó có nhiều cuộc đấu tranh chống lại những thế lực thù địch hùng mạnh, giàu có và hung bạo nhất thế giới. Chính vì vậy mà cộng đồng các dân tộc Việt Nam luôn sát cánh bên nhau, liên tục đứng lên chống giặc ngoại xâm, đánh thắng quân xâm lược.
Ðoàn kết trong lao động và trong chiến đấu là truyền thống nổi bật nhất của các dân tộc Việt Nam được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử. Trong sự nghiệp cách mạng do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, truyền thống đoàn kết dân tộc được phát huy cao độ, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.
Những thành tựu đạt được trong quá trình đổi mới rất to lớn và đáng tự hào cho thấy khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta đã có tầm cao mới và chiều sâu mới, là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của đất nước, làm cho thế và lực của cách mạng nước ta ngày càng được tăng cường.
Tuy vậy, bên cạnh mặt đoàn kết là cơ bản, có nơi, có lúc vẫn xẩy ra những va chạm trong quan hệ dân tộc, còn có những biểu hiện mặc cảm, thành kiến dân tộc. Chính vì thế ở một số nơi, các lực lượng thù địch đã lợi dụng để kích động chia rẽ dân tộc. Do đó việc tăng cường đoàn kết, nâng cao cảnh giác, kịp thời đập tan mọi âm mưu và hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam.
3. Các dân tộc ở Việt Nam cư trú phân tán và xen kẽ nhau.
Ở một số vùng nhất định có dân tộc cư trú tương đối tập trung. Song nhìn chung các dân tộc nước ta sống xen kẽ nhau, không có lãnh thổ riêng biệt như một số nước trên thế giới. Ðịa bàn cư trú của người Kinh chủ yếu ở đồng bằng, ven biển và trung du; còn các dân tộc ít người cư trú chủ yếu ở các vùng miền núi và vùng cao, một số dân tộc như Khơ me, Hoa, một số ít vùng Chăm sống ở đồng bằng. Các dân tộc thiểu số có sự tập trung ở một số vùng, nhưng không cư trú thành những khu vực riêng biệt mà xen kẽ với các dân tộc khác trong phạm vi của tỉnh, huyện, xã và các bản mường. Cách đây chưa lâu (khoảng bốn, năm chục năm), Tây Nguyên nói chung, Ðắc Lắc nói riêng, hầu hết cư dân vẫn là người tại chỗ, mỗi dân tộc đều có khu vực cư trú riêng, ranh giới giữa các tộc người, giữa các bản làng còn rõ ràng thì nay tình hình đã khác xa và xu hướng này còn tiếp tục gia tăng. Hiện nay dân tộc Kinh cư trú ở Ðắc Lắc chiếm tỷ lệ khá lớn. Cùng với người Kinh, các dân tộc ít người miền Bắc gần đây cũng di chuyển vào khu vực này ( kể cả di chuyển theo kế hoạch và không kế hoạch) với số lượng khá lớn. Tới nay, ở miền núi hầu như không có tỉnh, huyện nào chỉ có một dân tộc cư trú. Nhiều tỉnh có tới trên 20 dân tộc cư trú như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lâm Ðồng... Phần lớn các huyện có từ 5 dân tộc trở lên cư trú. Nhiều xã, bản có tới 3-4 dân tộc cùng sinh sống.
Tình trạng cư trú phân tán, xen kẽ giữa các dân tộc ở nước ta, một mặt có điều kiện để tăng cường hiểu biết nhau, hoà hợp và xích lại gần nhau; mặt khác cần đề phòng trường hợp do chưa thật hiểu nhau, khác nhau về phong tục tập quán nên xuất hiện mâu thuẫn, tranh chấp về lợi ích, nhất là lợi ích kinh tế, dẫn đến va chạm giữa những người thuộc các dân tộc cùng sống trên một địa bàn. Ngày nay, tình trạng cư trú xen kẽ của các dân tộc chủ yếu dẫn tới sự giao lưu kinh tế - văn hoá giữa các dân tộc cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Do sống gần nhau, việc kết hôn giữa thanh niên nam nữ thuộc các dân tộc khác nhau ngày càng phổ biến, càng có thêm điều kiện đoàn kết và hoà hợp giữa các dân tộc anh em.
4. Các dân tộc ít người ở nước ta chủ yếu cư trú trên các vùng rừng núi, có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, môi trường sinh thái.
Phần lớn các dân tộc ít người ở nước ta cư trú ở miền núi, chiếm 3/4 diện tích cả nước. Ðây là khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn mà trước hết là tiềm lực về tài nguyên rừng và đất rừng. Không những thế, miền núi còn có vai trò đặc biệt quan trọng về môi trường sinh thái đối với cả nước như điều hoà khí hậu, điều tiết nguồn nước, bảo vệ lớp đất màu trong mùa mưa lũ.
Vị trí chiến lược quan trọng của miền núi đã được thực tế lịch sử khẳng định. Từ xưa đến nay, các thế lực thù địch bên ngoài đều sử dụng địa bàn miền núi để xâm lược, xâm nhập, phá hoại sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
Rừng núi đã từng là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ. Trong giai đoạn hiện nay, miền núi - biên giới là thành luỹ vững chắc của Tổ quốc, là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, chống âm mưu xâm nhập, gây bạo loạn, lật đổ, bảo vệ sự nghiệp hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ở vùng biên giới, một số dân tộc có quan hệ đồng tộc với dân tộc của các nước láng giềng, nên khách quan có nhu cầu thăm thân, mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc ở hai bên biên giới. Bởi vậy, chính sách dân tộc của Ðảng và Nhà nước ta không chỉ vì lợi ích các dân tộc ít người mà còn vì lợi ích của cả nước, không chỉ là đối nội mà còn là đối ngoại, không chỉ về kinh tế -xã hội, mà cả về chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia.
5. Các dân tộc ở Việt Nam có trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau.
Do những nguyên nhân lịch sử, xã hội và hoàn cảnh tự nhiên nên các dân tộc ở Việt Nam có trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau. Các dân tộc sống ở vùng thấp có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn các dân tộc ít người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao.
Có những dân tộc ít người có đời sống kinh tế - xã hội còn thấp kém. Nhiều dân tộc cư trú trên địa bàn có điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn, khắc nghiệt. Ðiều kiện canh tác nương rẫy không ổn định nên đời sống của đồng bào thường bấp bênh. Cuộc sống du canh, du cư thường dẫn tới đói nghèo, bệnh tật.
Bên cạnh nguyên nhân lịch sử và hoàn cảnh tự nhiên, còn có nguyên nhân chủ yếu là do hậu quả của sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến và đất nước phải liên tục đối phó với chiến tranh xâm lược trong nhiều năm. Ðây là những nguồn gốc của sự không bình đẳng giữa các dân tộc trên thực tế. Giải quyết hậu quả lịch sử này phải có quá trình phấn đấu tích cực, bền bỉ, lâu dài mới làm cho các dân tộc từng bước tiến kịp trình độ chung.
6. Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất trong đa dạng, mỗi dân tộc anh em có những giá trị và sắc thái văn hoá riêng.
Cùng với nền văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc đều có một nền văn hoá mang bản sắc riêng từ lâu đời, phản ánh truyền thống, lịch sử và niềm tự hào dân tộc. Bản sắc văn hoá dân tộc là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần, bao gồm tiếng nói, chữ viết, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, y phục, tâm lý, tình cảm, phong tục, tập quán, tín ngưỡng... được sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử. Sự phát triển rực rỡ bản sắc văn hoá mỗi dân tộc càng làm phong phú nền văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thống nhất trong đa dạng là nét riêng, độc đáo của nền văn hoá các dân tộc Việt Nam. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới phải hướng vào việc củng cố và tăng cường sự thống nhất, nhân lên sức mạnh tinh thần chung của toàn dân tộc. Ðồng thời phải khai thác và phát triển mọi sắc thái và giá trị văn hoá của các dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần ngày càng cao và nhu cầu phát triển từng dân tộc.
Nguồn: http://web.cema.gov.vn/
Các tin khác
- Diễn đàn “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”
- Đắk Lắk có 7 thiếu nhi được tuyên dương tại Liên hoan thiếu nhi các dân tộc tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV
- Độc đáo lễ kết nghĩa anh em của người M’nông
- Người Xơ Đăng gìn giữ bản sắc văn hóa
- Tỏa sáng di sản văn hóa phi vật thể
- Nghề đan lát của người Thái Bình trên đất Tây Nguyên
- Thị xã Buôn Hồ chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
- Khánh thành, bàn giao nhà sàn dài buôn H’Ra Ea H’Ninh, huyện Cư Kuin