Xác định đúng tầm quan trọng của công tác dân tộc
Cập nhật lúc: 10:47 10/01/2023
Đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng được cải thiện, tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định.
Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đằng sau đó là cả sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong việc giữ vững sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong suốt nhiều năm qua.
Đời sống của đồng bào Bru Vân Kiều (ở xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) ngày càng sung túc. Ảnh: Gia Nguyên |
Hiện nay, ngoài ba DTTS tại chỗ là Êđê, M’nông, Jrai, trên địa bàn tỉnh còn có 46 dân tộc anh em khác, chủ yếu chuyển cư từ khắp các vùng miền trong cả nước đến lập nghiệp. Điều đáng nói, mặc dù có nhiều dân tộc cùng chung sống nhưng tình đoàn kết, chung sức của đồng bào các dân tộc trong xây dựng, phát triển tỉnh Đắk Lắk luôn được phát huy mọi lúc, mọi nơi. Có được điều đó, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bằng những chủ trương, chính sách thiết thực, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách về dân tộc.
Riêng về chính sách dân tộc, bên cạnh những chương trình trước đây, hiện nay tỉnh đang tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025” theo Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 12/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Dự án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022 - 2025”…
Từ các chương trình hỗ trợ, cùng với sự cần cù, ý chí vươn lên trong lao động sản xuất, nhiều hộ DTTS đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vươn lên làm giàu. Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc đạt kết quả tốt, nhất là đối với văn hóa cồng chiêng. Nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS được duy trì, tổ chức hằng năm ở khắp các địa phương đã trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng.
Với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, sử dụng người có uy tín trong cộng đồng, phong trào thi đua yêu nước, củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc được nâng cao, góp phần tích cực vào việc đấu tranh, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư cũng góp sức cùng với các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động đồng bào không tin, không nghe theo lời xúi giục của kể xấu để quấy rối, vượt biên trái phép, làm mất ổn định an ninh trật tự ở vùng nông thôn, vùng DTTS.
Ngày mùa. Ảnh minh họa: Hữu Nguyên |
Qua thực tiễn các phong trào thi đua, nhất là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện rất nhiều tấm gương đồng bào DTTS làm nhiều việc tốt, có ích cho cộng đồng, xã hội. Hiệu quả từ sự đầu tư và các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của cuộc sống đã làm cho đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng cao; bộ mặt của nông thôn đã có những khởi sắc đáng ghi nhận. Điều đáng trân trọng, đồng bào các DTTS luôn sát cánh cùng với Đảng, các cấp chính quyền, chung sức, chung lòng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Đắk Lắk về mọi mặt.
Từ thực tế trên cho thấy, việc xác định đúng tầm quan trọng của công tác dân tộc và vấn đề đoàn kết dân tộc trong hiện tại cũng như lâu dài là điều hết sức cần thiết, thể hiện đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được xem là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn thể các tầng lớp nhân dân. Thông qua đó, đồng bào các DTTS có thêm điều kiện, cơ hội phát huy nội lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo phát triển bền vững.
Các tin khác
- "Làn gió mới" của du lịch cộng đồng
- Tổng kết công tác dân tộc năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024
- Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030
- Ủy ban Dân tộc họp Ban Soạn thảo xây dựng các Báo cáo thuộc Chương trình MTQG 1719
- Ban Dân tộc Đắk Lắk tổ chức tập huấn thực hiện Tiểu dự án 2 Dự án 9: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN
- Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
- Đã giải ngân hơn 101 tỉ đồng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi
- Rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Lễ Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn quốc năm 2023