“Ủy ban Dân tộc đã có nhiều nỗ lực, quyết liệt triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS và miền núi”

Cập nhật lúc: 08:19 09/05/2023

Đó là ý kiến phát biểu của Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tại buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc về kết quả triển khai Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, ngày 8/5, tại Nhà Quốc hội.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng Đoàn Giám sát và các thành viên Đoàn Giám sát.

Về phía Ủy ban Dân tộc, có sự tham dự của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr; lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc. Tham dự buổi làm việc có đại diện các bộ, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, khẳng định ý nghĩa to lớn của các Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng. Để đồng hành cùng Chính phủ, buổi làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội với Ủy ban Dân tộc nhằm cùng nhau tháo gỡ khó khăn, phân tích rõ những hạn chế, bất cập, nguyên nhân của hạn chế bất cập, tìm giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình trong thời gian tới.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc
Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Căn cứ Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 120 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP và Quyết định số 1409/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã sớm ban hành Kế hoạch xây dựng Chương trình và phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết 120. Nhìn chung Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan được giao nhiệm vụ đã rất nghiêm túc và kịp thời trong triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm cao và tính chủ động trong phối hợp của cơ quan chủ trì Chương trình (Ủy ban Dân tộc) với các bộ, cơ quan Trung ương, thành viên Tổ công tác, đến nay cấp Trung ương đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện về Chương trình.

Các địa phương đã chủ động bám sát các văn bản của cấp Trung ương để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời nắm bắt và kiến nghị tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện tại cơ sở; công tác tuyên truyền được triển khai rộng rãi bằng nhiều hình thức, do đó Chương trình được các cấp, ngành và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, ủng hộ.

Tính đến hết năm 2022, kết quả giải ngân thực hiện Chương trình trên cả nước đạt 5.721.233 triệu đồng, đạt tỷ lệ trung bình 43,76% so với kế hoạch được giao.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Quá trình xây dựng, hoàn thiện văn bản hướng dẫn vẫn còn kéo dài; nhiều văn bản đã được ban hành nhưng hướng dẫn thực hiện còn chung chung; một số hướng dẫn thiếu đồng bộ, hoặc chưa tạo điều kiện thúc đẩy phân cấp khiến địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện.

Còn một số địa phương chưa quyết liệt, dẫn đến có sự chậm chễ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao (nhất là tiến độ giao vốn thực hiện); việc nắm thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình gặp những hạn chế liên quan đến việc nhiều địa phương chậm thực hiện báo cáo khối lượng nhiệm vụ triển khai, tiến độ giải ngân thực hiện...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc

Về giải pháp trong thời gian tới, cấp Trung ương khẩn trương hoàn thành việc ban hành/trình ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực hiện Chương trình một cách đồng bộ, kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương, đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động của Chương trình. Nâng cao vai trò, trách nhiệm cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong công tác phối hợp rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc theo phản ánh từ cấp cơ sở, chủ đầu tư để tham mưu các cấp, các ngành giải quyết, tháo gỡ theo quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong suốt quá trình triển khai thực hiện Chương trình. Kiện toàn về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình. Thực hiện phân cấp, trao quyền cho địa phương để nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của Chương trình đến các tầng lớp Nhân dân, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, tự chủ, vươn lên của đồng bào DTTS.

Báo cáo Kết quả làm việc của Tổ công tác Đoàn Giám sát với Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân đánh giá: Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã tập trung chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến của Tổ công tác Đoàn giám sát chuyên đề. Trong đó, thông tin được cập nhật từ các bộ ngành và địa phương đã minh họa rõ hơn về tình hình triển khai nghị quyết của Quốc hội trong giai đoạn vừa qua. Báo cáo cơ bản đã bám sát được đề cương yêu cầu của Đoàn giám sát, các nội dung thông tin có giá trị và nêu dẫn nguồn rõ ràng do vậy có độ tin cậy cao.

Báo cáo đã được bổ sung nhiều nội dung theo đề cương của Đoàn giám sát so với 2 báo cáo trước. Phần đánh giá tổng quát quá trình ban hành chính sách đã được phân tích khá kỹ; đã bổ sung số liệu và phân tích theo giai đoạn, các diễn biến chính của quá trình chuẩn bị đối với Chương trình. Nhiều nội dung trước đó do Tổ công tác chỉ ra đã được thực hiện, nhất là phần đánh giá, phân tích quá trình xây dựng văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, những khó khăn, bất cập của Chương trình đã được chỉ rõ hơn.

Báo cáo đã thể hiện rõ vai trò của Ủy ban Dân tộc trong thúc đẩy thực hiện Chương trình. Văn bản về bộ máy tổ chức, chỉ đạo thực hiện cũng như các văn bản hướng dẫn đã được xây dựng, ban hành bám sát chỉ đạo của Chính phủ (Nghị định, Quyết định, văn bản chỉ đạo). Trước những bất cập về văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình, Ủy ban Dân tộc đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến trong chỉ đạo, hỗ trợ thực hiện, chủ động trao đổi với các bộ ngành, cơ quan liên quan, cũng như kết nối các nguồn hỗ trợ kỹ thuật từ bên ngoài để tháo gỡ các khó khăn cho các địa phương trong tổ chức thực hiện Chương trình. Trao đổi, hỗ trợ các bộ ngành, chủ dự án thành phần, các địa phương; chủ động hướng dẫn, giải thích những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách của Trung ương liên quan đến việc thực hiện của mỗi dự án, với từng nội dung cụ thể.

Về tiến độ thực hiện, đánh giá khả năng thực hiện Chương trình, tốc độ giải ngân…, theo số liệu báo cáo, đến nay đạt 43,76% là khá cao trong bối cảnh còn có nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình...

Để hoàn thiện kết quả đánh giá, Đoàn Giám sát đề nghị Ủy ban Dân tộc cần nghiên cứu, bổ sung thêm các phân tích, đánh giá cụ thể về quy trình xây dựng chính sách gặp những khó khăn, hạn chế gì. Tổ chức, đơn vị nào chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Văn bản nào còn có vướng mắc và vấn đề vướng mắc chủ yếu là gì? Địa phương nào có cách làm hay, sáng kiến tốt. Chỉ rõ những khó khăn của quá trình triển khai, những nút thắt về chất lượng chính sách...

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn Giám sát đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là công tác chuẩn bị chu đáo của cơ quan chủ trì - Ủy ban Dân tộc. Các đại biểu cũng đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Dân tộc đã đánh giá toàn diện, sâu sắc. Để hoàn thiện báo cáo, thực hiện hiệu quả Chương trình trong thời gian tới, các đại biểu đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp liên quan đến hệ thống văn bản, cơ chế thực hiện, việc triển khai cụ thể từng Dự án, Tiểu dự án thành phần.

Thay mặt cơ quan chủ trì, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý của thành viên Đoàn Giám sát, hoàn thiện bổ sung báo cáo. Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành sẽ tập trung hoàn thiện thể chế; phân cấp mạnh cho các địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Chương trình.

Các đại biểu trao đổi, góp ý tại buổi làm việc
Các đại biểu trao đổi, góp ý tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các vấn đề về việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được Đoàn giám sát trao đổi, thảo luận thẳng thắn, sâu sắc; báo cáo và ý kiến trả lời của đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành đã bám sát yêu cầu giám sát, nội dung trả lời rõ ràng, sát với các câu hỏi của Đoàn giám sát đã đặt ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt và nỗ lực cố gắng của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trong việc chuẩn bị báo cáo cho Tổ công tác và Đoàn giám sát. Đánh giá cao công tác chủ động triển khai thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng biểu dương sự chuẩn bị tích cực, chủ động, trách nhiệm của Thường trực Hội đồng Dân tộc và Tổ công tác trong việc giúp Đoàn giám sát chuẩn bị nội dung và các điều kiện bảo đảm cho buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Dân tộc tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp các bộ, ngành, khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện; nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong các văn bản hướng dẫn bảo đảm đúng đối tượng, địa bàn, nguyên tắc phân cấp, phân quyền; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cụ thể, kịp thời đối với các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm hiệu quả giải ngân nguồn vốn của Chương trình; có giải pháp quyết liệt đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn kế hoạch được giao, thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình vào cuối năm 2025; tiếp tục rà soát, bảo đảm chính xác số liệu, phân tích, xử lý thông tin trong báo cáo; quan tâm triển khai sớm nhiệm vụ đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình; tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu kết quả thực hiện Chương trình...