Thường trực Ban Bí thư: Người có uy tín thực sự là cầu nối giữa Đảng và dân
Cập nhật lúc: 08:31 17/06/2024
Tối 16.6, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Chương trình tôn vinh người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo lần thứ II, năm 2024 với chủ đề “Điểm tựa của bản làng”.
Dự chương trình có Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Biểu dương và chúc mừng những thành tích mà đội ngũ những người có uy tín đã đạt được, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường nhấn mạnh: Những hành động tốt, việc làm hay của đội ngũ người có uy tín, các già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo thực sự có sức lay động lòng người, truyền cảm hứng để những điều hay, lẽ phải ngày càng được nhân lên trong cuộc sống.
Người có uy tín thực sự là cầu nối giữa Đảng và dân, làm tăng thêm lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, Quân đội và Bộ đội Biên phòng. Sự bình yên và phồn vinh của biên cương Tổ quốc có công lao, đóng góp và hy sinh to lớn của đồng bào các dân tộc nói chung và của người uy tín các dân tộc nói riêng. Đây thực sự là những “Điểm tựa của bản làng” ở những vùng đất trọng yếu của Tổ quốc chúng ta.
Theo Thường trực Ban Bí thư, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam luôn kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi, thủy chung, đoàn kết keo sơn. Truyền thống đoàn kết được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử đã trở thành cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta.
"Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là sợi dây kết nối bền chặt tình đoàn kết keo sơn đó. Bác Hồ của chúng ta cũng đã từng khẳng định khi “có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang” - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II, 2024 có sự tham dự của 200 đại biểu đến từ 42 tỉnh, thành phố biên giới, biển đảo thuộc 47 dân tộc.
Đại biểu cao tuổi nhất là ông Đinh Văn Ranh, sinh năm 1940 (84 tuổi), dân tộc Hre, trú tại xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định; đại biểu trẻ tuổi nhất là anh Cao Xuân Long, sinh năm 1996 (28 tuổi), dân tộc Chứt, Trưởng thôn Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hoá, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình; 8 đại biểu là chức sắc tôn giáo; 7 đại biểu là cán bộ Bộ đội Biên phòng.
Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II, năm 2024 được tổ chức ở quy mô toàn quốc. Các đại biểu là người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo tham dự các hoạt động gồm: Gặp mặt Chủ tịch nước; Tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (K9); Tham dự Lễ Tôn vinh trao Giấy chứng nhận và biểu trưng của chương trình.
Các tin khác
- Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk: Tích cực kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc
- Krông Ana (Đắk Lắk): Nâng cao hiệu quả tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa
- Đắk Lắk: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh
- Huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk: Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc
- Krông Pắc (Đắk Lắk): Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc
- Sân khấu hóa tìm hiểu pháp luật ở huyện biên giới Ea Súp
- Nỗ lực chuyển hóa “điểm nóng” ma túy
- Trang bị kiến thức, nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy ở vùng DTTS