Một số kinh nghiệm trong giải quyết khiếu kiện đông người
Cập nhật lúc: 15:56 15/08/2011
Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận thì tình hình khiếu nại, tố cáo ở địa phương cũng diễn ra phức tạp với sự gia tăng về số lượng người khiếu kiện và nội dung khiếu kiện, đặc biệt có những vụ khiếu kiện phức tạp, gay gắt, đông người, nhất là vào các thời điểm diễn ra Đại hội Đảng hoặc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh đã có nhiều cố gắng giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, nhưng một số công dân vẫn cố tình không chấp nhận nội dung giải quyết và tiếp tục khiếu kiện, có trường hợp cấu kết với nhau hoặc xúi giục khiếu kiện tập thể. Điển hình là những vụ công dân Bình Thuận tụ tập tại trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội thời gian qua diễn ra tương đối phức tạp; hầu hết đây đều là những vụ khiếu kiện đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định giải quyết và đã tiếp, giải thích nhiều lần nhưng công dân vẫn cố tình khiếu kiện dai dẳng.
Có thể thấy, tình trạng khiếu kiện đông người trên địa bàn tỉnh Bình Thuận diễn ra ngày càng phức tạp và thường liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, môi trường… Do chưa có quy định cụ thể về xử lý khiếu kiện đông người nên khi có vụ việc xảy ra đã gây không ít lúng túng trong quá trình xem xét, giải quyết. Từ năm 2008 đến 2010, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xảy ra 08 vụ khiếu kiện đông người, nội dung khiếu nại chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, có một số công dân mặc dù có nội dung khiếu nại riêng lẻ, đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, nhưng họ vẫn cố chấp, tụ tập khiếu kiện đông người hoặc tham gia vào các đoàn khiếu kiện đông người khác gây rối trật tự.
Nhưng xét về nguyên nhân chủ quan, là do trách nhiệm của một số ngành, địa phương còn chưa cao trong việc thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, kỷ cương trong lĩnh vực thực hiện khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm; một số công dân còn cố chấp, lợi dụng dân chủ và quyền khiếu nại, tố cáo xúi giục, kích động gây rối an ninh trật tự nhưng chưa có biện pháp xử lý gây khó khăn trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Mặt khác, một số đối tượng có biểu hiện xúi giục người khiếu kiện tập thể cũng là nguyên nhân dẫn đến tình hình khiếu kiện đông người gây phức tạp tình hình. Vì vậy, cần phải có quy định cụ thể về giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể trong việc phối hợp xử lý, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm, lợi dụng quyền dân chủ trong khiếu nại, tố cáo để gây rối, xúi giục khiếu kiện làm mất an ninh trật tự.
Từ thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Bình Thuận trong thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, các cấp, các ngành, các địa phương phải nắm chắc tình hình và tập trung phối hợp giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở và từ khi mới phát sinh khiếu kiện, hạn chế thấp nhất tình trạng khiếu kiện vượt cấp gây phức tạp tình hình; trong đó chú trọng đến công tác đối thoại, giáo dục, thuyết phục người dân trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ khiếu kiện tập thể.
Hai là, phát huy đúng mức vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là cấp huyện trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các đoàn thể, cấp ủy các xã, phường, thị trấn trong công tác phối hợp để đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở các cơ quan Đảng, chính quyền khi xảy ra tình hình khiếu kiện đông người. Đồng thời, rà soát, thống kê những vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, của ngành, hoặc đã giải quyết nhưng còn tiếp khiếu để tập trung chỉ đạo giải quyết, không để phát sinh “điểm nóng” hoặc khiếu kiện vượt cấp, tụ tập đông người.
Ba là, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; chú trọng những nơi có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tuyên truyền, giải thích pháp luật, nhất là pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để cán bộ và nhân dân nắm vững và nghiêm chỉnh chấp hành.
Các tin khác
- Đắk Lắk: Nhiều địa phương tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc
- Krông Búk (Đắk Lắk): 60 thí sinh tham gia Hội thi Tìm hiểu pháp luật lĩnh vực công tác dân tộc
- Ea Kar (Đắk Lắk): Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc
- Cư M'gar (Đăk Lăk): Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc
- Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk kiểm tra công tác Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS
- Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk trang bị kiến thức phòng chống ma túy cho gần 500 cán bộ cơ sở, Người có uy tín
- Ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024
- Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Lắk tổ chức trong tháng 10