"Làn gió mới" của du lịch cộng đồng
Cập nhật lúc: 07:41 08/01/2024
Làm mới cho sản phẩm truyền thống
Vừa nhâm nhi tách cà phê, vừa thích thú lắc lư theo những âm thanh rộn ràng của bản nhạc truyền thống do các bạn trẻ biểu diễn là một trong những trải nghiệm khó quên mà chị Đặng Hồng Bảo Ngọc (Tây Ninh) có được trong chuyến du lịch mới đây tại buôn Akô Dhông - buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk.
Đã nhiều lần đến đây du lịch, lần này chị Ngọc khá bất ngờ với những sản phẩm du lịch, những điểm check-in … đầy sắc màu trẻ trung tươi mới mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống, đặc trưng của cộng đồng người Êđê.
Đó là những nhà sàn truyền thống nhuốm màu thời gian được chăm chút, bảo dưỡng cẩn thận, là con đường nội buôn sạch mát giữa cây xanh, hoa dại, cả những quán cà phê, địa điểm lưu trú gây ấn tượng bởi cách trang trí đậm nét truyền thống, chất chứa những huyền tích từ thuở khai rừng lập buôn...
Du khách tham quan tại buôn du lịch cộng đồng Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). |
Trên nền tài nguyên văn hóa, tự nhiên vốn có, khi làm du lịch cộng đồng, buôn Akô Dhông có cơ hội chung tay làm mới sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu, xu hướng du lịch hiện tại.
Theo đó, đời sống của người dân cũng có nhiều thay đổi. Chị H’Min Niê, người dân của buôn đã chuyển hẳn sang nghề dệt thổ cẩm truyền thống gần một năm nay.
Chị cho hay: “Tôi theo nghề dệt của mẹ, nhưng trước đây làm không đều vì thưa thớt khách hàng. Từ ngày buôn phát triển du lịch cộng đồng, tôi mới tập trung dệt vải, làm đa dạng mặt hàng và mở một cửa hàng lưu niệm nho nhỏ để bán những sản phẩm do chính tay mình và mẹ làm ra”.
Ngoài phát triển kinh tế, chị H'Min còn tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch, chị rất vui và tự hào khi có cơ hội quảng bá, truyền tải văn hóa truyền thống của người Êđê đến với du khách. Niềm vui của chị không chỉ dừng lại ở đời sống kinh tế ổn định mà cả trong đời sống tinh thần phong phú.
Chị H’Min Niê (bên trái) hướng dẫn du khách trải nghiệm dệt thổ cẩm của người Êđê. |
Mở rộng không gian du lịch
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 16 thôn, buôn được quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, trong đó buôn Akô Dhông đã được công nhận buôn du lịch cộng đồng vào tháng 3/2023. |
Buôn Yang Lành (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) được chọn đầu tư phát triển du lịch cộng đồng theo Dự án Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới - Tiểu dự án Đắk Lắk vay vốn Ngân hàng Châu Á (ADB) của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đến nay, Dự án đã đầu tư nâng cấp nhà cộng đồng buôn có đủ công trình phụ trợ; bảo tồn khôi phục bến nước; xây cổng chào; nâng cấp 15 ngôi nhà dài truyền thống của người dân; tổ chức tập huấn, đào tạo các kỹ năng đón tiếp khách du lịch… cho người dân và ban quản lý du lịch buôn.
Anh Y Én Êban, Trưởng buôn Yang Làng, đồng thời cũng là một trong những hộ tham gia làm du lịch cộng đồng tâm sự: “Từ khi dự án triển khai, bà con rất tích cực tham gia, nâng cao ý thức và chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất theo yêu cầu. Ngoài việc tự giữ gìn vệ sinh tại gia đình, ngày 15 hằng tháng bà con cùng nhau dọn dẹp buôn làng sạch sẽ; khuyên nhủ nhau bảo tồn nét đẹp truyền thống, chăm sóc những cây me có tuổi đời hàng chục năm để tạo điểm nhấn cho buôn…”.
Du khách tìm hiểu về văn hóa truyền thống người Êđê tại buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). |
Buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong hai buôn sẽ được đầu tư trở thành buôn du lịch tiêu biểu trong thời gian tới. Đây là cơ hội để người dân nơi đây chung tay xây dựng, phát triển buôn trở thành điểm du lịch cộng đồng. Chị H Ji Bkrông cho hay: “Gia đình tôi vừa xây dựng được ngôi nhà dài, sẽ tham gia làm du lịch cộng đồng cùng với bà con trong buôn”. Để chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện mô hình, thời gian vừa qua chị H Ji cùng nhiều người dân trong buôn đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, đi trải nghiệm thực tế tại các điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu trong và ngoài tỉnh để có kinh nghiệm, thực hiện tốt mô hình và kỳ vọng sẽ đưa buôn Tơng Jú trở thành điểm du lịch được nhiều người yêu thích.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, cùng với tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, nhiều buôn làng trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ để phát triển du lịch cộng đồng, bước đầu đã đạt hiệu quả trong việc mở rộng không gian du lịch, thu hút du khách và vai trò chủ thể của người dân ngày càng được đề cao, từ đó đời sống kinh tế không ngừng phát triển, góp phần thay đổi diện mạo ở các buôn làng.
Các tin khác
- Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk: Tích cực kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc
- Krông Ana (Đắk Lắk): Nâng cao hiệu quả tuyên truyền thông qua hình thức sân khấu hóa
- Đắk Lắk: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh
- Huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk: Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc
- Krông Pắc (Đắk Lắk): Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về công tác dân tộc
- Sân khấu hóa tìm hiểu pháp luật ở huyện biên giới Ea Súp
- Nỗ lực chuyển hóa “điểm nóng” ma túy
- Trang bị kiến thức, nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy ở vùng DTTS