Đồng bào Tây Nguyên nhớ ơn Bác Hồ

Cập nhật lúc: 10:58 27/05/2024

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, do hoàn cảnh lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa một lần đến với Tây Nguyên, nhưng tình cảm của Người với đồng bào và tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác vô cùng lớn lao, sâu sắc.

 

Trong những năm tháng làm báo ở vùng đất đại ngàn, chúng tôi đã từng được nghe những dòng hồi ức, những câu chuyện của người dân Tây Nguyên hướng về Bác kính yêu và những kỷ niệm sâu sắc của những người may mắn được về bên Bác…

Người dân Tây Nguyên biết ơn Bác Hồ bằng sự mộc mạc, chân thành. Trong những năm tháng đất nước còn chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã sát cánh cùng đồng bào, đồng chí các dân tộc anh em hy sinh xương máu đánh đuổi kẻ thù chung. Người Tây Nguyên nguyện làm theo lời Bác, làm theo Thư Bác gửi Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19/4/1946: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu của Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”.

Trong những năm tháng đất nước còn bị chia cắt, bằng nhiều con đường, có rất nhiều người con ưu tú của núi rừng Tây Nguyên được ra miền Bắc học tập, công tác. Họ có nhiều cơ hội được gặp Bác, được Bác thăm hỏi, động viên và những khoảnh khắc dù rất ngắn ngủi đã để lại trong cuộc đời mỗi người những kỷ niệm khó phai.

Nữ nhà giáo ưu tú Nay H’Win, dân tộc Gia Rai, nguyên là diễn viên Đoàn văn công Tây Nguyên nhớ lại: “Tôi được gặp Bác ba lần. Lần sau cùng, khi biểu diễn văn nghệ phục vụ Bác và đoàn khách nước ngoài xem, Bác hỏi: “Sao độ này cháu H’Win gầy thế, cháu Kim Nhớ đi đâu, sao hôm nay không có mặt ?”.

Rồi bằng giọng ấm trầm, Bác bảo: “Các cháu cần ăn nhiều vào và mặc cho ấm. Mùa đông ở miền Bắc lạnh lắm dễ bị sưng phổi…”.

Tôi thưa với Bác là chị Kim Nhớ bận đi học, Bác hỏi “Học gì?”, tôi thưa tiếp “Dạ, học văn hóa ạ!”. Bác bảo chúng tôi: “Các cháu cần phải học thật tốt, để sau này về giúp đồng bào Tây Nguyên”. Lần ấy Bác đã gửi tặng mỗi người một chiếc áo dạ ấm”. 

Tượng đài Bác Hồ ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Ông Ksor Ní, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum kể: “Một ngày đầu tháng 6/1946, tôi và anh Y Ngông Niê Kdăm, dân tộc Êđê được gặp Bác. Bác ân cần hỏi thăm tình hình đồng bào Tây Nguyên. Y Ngông nói: “Thưa Bác, giặc Pháp đánh chiếm Tây Nguyên rồi, chúng cháu buồn lắm, lo lắm!”. Tôi nói tiếp: “Thưa Bác, giặc Pháp chiếm Tây Nguyên, chúng ta có đánh đuổi giặc Pháp lấy lại Tây Nguyên không?”. Bác trả lời: “Có chứ, vì Tây Nguyên là một bộ phận của Việt Nam, nếu Việt Nam được độc lập rồi Tây Nguyên cũng phải được độc lập, nếu Tây Nguyên bị giặc Pháp chiếm đóng, chúng ta phải tiếp tục đánh giặc Pháp để giải phóng Tây Nguyên, có vậy Việt Nam mới được độc lập hoàn toàn”. Bác xòe bàn tay phải của mình cho chúng tôi xem, rồi tiếp: “Một bàn tay hoàn chỉnh có năm ngón, nếu thiếu một ngón thì bàn tay không hoàn chỉnh. Cũng như Việt Nam được độc lập thì Tây Nguyên phải độc lập, vì Tây Nguyên là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam”…

Cũng như nhiều vùng quê trên khắp Tây Nguyên, xã Lộc Lâm anh hùng thuộc huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) là một mảnh đất kiên trung, một căn cứ địa đi qua cả hai cuộc kháng chiến. Trong một chuyến “về nguồn”, tôi đã được gặp cựu du kích người Mạ tên là K’Brốp. “Ở Lộc Lâm này, nhà nào cũng có người làm cách mạng, người dân nào cũng theo Đảng, cũng thờ Bác Hồ…”, cụ K’Brốp nói rồi tới bên chiếc tủ gỗ nhỏ lục tìm chốc lát và lôi ra từ chiếc ống nứa lên bóng một bức hình của Bác đã úa màu. Bức ảnh này cụ K’Brốp được một anh bộ đội miền Bắc cắt ra từ một tờ báo mà anh có được trên đường hành quân và tặng cụ từ năm 1965, trong một lần bộ đội chủ lực về phối hợp với du kích Lộc Lâm đánh giặc. Suốt bao nhiêu năm qua cụ luôn giữ gìn, nâng niu ảnh Bác như báu vật. Còn ông K’Chàng - cựu cán bộ thời chống Mỹ ở Lộc Lâm thì kể: “Đảng về, cán bộ của Bác Hồ về, chúng tôi như gặp được ánh sáng của Yàng. Từ đó, chúng tôi tuyên truyền với nhân dân là chỉ nghe theo lời Đảng, lời Bác, quyết tâm xây dựng lực lượng, dũng cảm chiến đấu bảo vệ buôn làng”.

Hồi ức về ngày Bác từ trần, ông Trần Nghĩa, người từng trực tiếp phụ trách một nhánh cơ sở cách mạng nội thành Đà Lạt, kể rằng: “Khi nghe tin Bác mất, các chị em cơ sở của ta đã ôm nhau khóc ngay giữa chợ Đà Lạt. Tôi bàn với họ không nên khóc ở chỗ đông người dễ bị địch phát hiện mà về từng gia đình tổ chức lập bàn thờ Bác. Việc làm này đã giúp mọi người vợi đi niềm xúc động và hăng hái hơn trong công tác vì luôn thấy hình bóng Bác ngay trong tâm hồn mình”. Ông Nghĩa kể thêm: “Một ký ức khó quên trong cuộc đời tôi là dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1970, tôi nhận được món quà của đồng chí Huỳnh Minh Nhật - Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Đức lúc bấy giờ gửi tặng, đó là một bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía sau tấm ảnh có dòng chữ đề “Thân tặng Mười, 19-5-1970”.

Cầm tấm ảnh Bác, tôi thấy như được đón nhận một phần thưởng vô cùng lớn lao, là một lời nhắc nhở suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình”. Còn bà Nguyễn Thị Phú, một cựu tù nhân thì xúc động sâu sắc khi nhớ lại lễ tưởng niệm Bác Hồ giữa nhà lao Đà Lạt.

Bà kể: “Cơ sở từ bên ngoài đã bí mật gửi vào cho chúng tôi một tờ báo có đưa tin Bác đã từ trần. Chúng tôi khóc nhưng không dám khóc lớn. Không khí phòng giam trở nên trầm lặng. Trong vòng kiểm soát gắt gao, chúng tôi đã tổ chức lễ tưởng niệm vị lãnh tụ kính yêu. Không lập được bàn thờ, không có một nén nhang, chỉ có ngọn đèn dầu thắp sáng trong góc phòng giam, chị em nữ tù nhân ngồi vây quanh, hai tay chắp trước ngực, nước mắt chảy dài”…

* * *

Trao tặng ảnh Bác Hồ cho hội viên Hội Người cao tuổi xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.

Ở thành phố Pleiku (Gia Lai) có một Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bảo tàng được xây dựng từ năm 1984, trên cơ sở thực hiện ý nguyện chung của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên: “Không được đón Bác vào thăm thì làm nhà rước Bác vào ở”.

Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum thời kỳ đó đã ra nghị quyết về xây dựng “Nhà trưng bày hình ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” để nhân dân các dân tộc thăm viếng và là nơi giáo dục tư tưởng, đạo đức của Người cho các thế hệ mai sau. Khởi công từ ngày 2/9/1982, đến ngày 19/5/1984, công trình được khánh thành và đi vào hoạt động.

Về sau này, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh công nhận Nhà trưng bày là Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bảo tàng là địa chỉ thể hiện tình cảm sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên với Bác Hồ kính yêu. Đây là một trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng ở Tây Nguyên; đáp ứng nguyện vọng và tình cảm thiêng liêng của các dân tộc anh em trên cao nguyên phía tây Tổ quốc đối với lãnh tụ kính yêu...

Những ngày tháng Năm thiêng liêng này, người dân Tây Nguyên tưởng nhớ Bác, ôn lại những kỷ niệm, tình cảm và công lao to lớn mà Bác đã dành cho để nguyện làm theo di huấn của Người. Đồng bào một lòng kiên quyết chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhau góp sức, chung lòng xây dựng vùng đất Tây Nguyên ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, vững chắc về quốc phòng - an ninh như mong muốn thiết tha của Người lúc sinh thời.      

Nguồn/ báo Đắk lắk